Cải cách trong giáo dục ở Hàn Quốc

VHO- Hàn Quốc quyết định bỏ những câu hỏi hóc búa ra khỏi kỳ thi đại học để giảm bớt áp lực luyện thi và gánh nặng tài chính cho học sinh cùng phụ huynh. Đây được coi là một cải cách lớn trong giáo dục ở quốc gia này.

Cải cách trong giáo dục ở Hàn Quốc - Anh 1

 Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cho rằng cần xóa bỏ văn hóa học thêm Ảnh: KOREA TIMES

Ở Hàn Quốc, người học ở những trường đại học danh tiếng không chỉ có nhiều cơ hội làm ở những tập đoàn lớn, nhận mức lương cao, mà còn là niềm tự hào cho bản thân và gia đình. Vì vậy, ở xứ sở Kim chi, mỗi câu đúng sai trong một bài thi đại học có thể ấn định số phận của cả cuộc đời. Điều đáng nói là các câu hỏi trong các bài thi đại học thường cực kỳ hóc búa và nếu không học thêm, học sinh ở Hàn Quốc sẽ không làm được. Bởi vậy, tỉ lệ học sinh đi học thêm ở Hàn Quốc rất cao.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, có tới 78,3% học sinh cấp 3 ở xứ sở Kim chi đi học thêm và các phụ huynh Hàn Quốc đã chi gần 20 tỉ USD cho luyện thi. Con số này gần bằng GDP của các quốc gia như Haiti (21 tỉ USD) và Iceland (25 tỉ USD). Cũng trong năm 2022, trung bình học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chi 311 USD mỗi tháng cho học thêm, con số cao nhất từ khi số liệu về học thêm bắt đầu được ghi nhận vào năm 2007. Thực trạng này gây áp lực lớn đối với những gia đình không đủ khả năng tài chính. Các chuyên gia đánh giá hệ thống này duy trì sự bất bình đẳng trong giáo dục. Các gia đình nghèo có xu hướng dành tỷ lệ thu nhập nhiều hơn cho giáo dục con cái so với các hộ gia đình giàu hơn.

Cuộc đua đại học không chỉ làm rỗng túi tiền của các phụ huynh mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh. Ở xứ sở Kim chi, mỗi học sinh đều phải học ít nhất là 18 tiếng một ngày. Các em phải dậy từ 6h sáng, đến trường cả ngày và sau khi rời trường học thì đến thẳng các trung tâm học thêm. Nhiều học sinh không chịu được áp lực này, dẫn đến việc Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có số thanh thiếu niên tự tử cao nhất thế giới. Khảo sát năm 2022 của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và phổ thông ở Hàn Quốc, gần 1/4 nam sinh và 1/3 nữ sinh từng bị trầm cảm. Trong báo cáo năm 2021, gần một nửa thanh thiếu niên Hàn Quốc từ 13 - 18 tuổi bày tỏ học hành là nỗi lo lớn nhất.

Các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giáo viên và cả phụ huynh đều chỉ trích và cho rằng con đường đến cánh cửa đại học gây ra nhiều vấn đề, không chỉ bất bình đẳng trong giáo dục và bệnh tâm thần ở thanh thiếu niên, mà còn làm tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc giảm mạnh. Hàn Quốc thường xuyên nằm trong bảng xếp hạng những quốc gia có chi phí nuôi dạy trẻ từ sơ sinh tới 18 tuổi đắt đỏ nhất thế giới, đa phần là chi phí giáo dục. Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,3), là quốc gia có nhiều người cao tuổi nhất thế giới, đồng thời kém xa mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số ổn định.

Với hy vọng giải quyết một số vấn đề trên, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho trong cuộc họp báo mới đây tuyên bố sẽ bỏ những câu hỏi phân loại hóc búa, thường được gọi là “câu hỏi sát thủ” trong kỳ thi đại học. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng đã công bố một số câu hỏi mẫu rút ra từ các bài kiểm tra trước, để minh họa cho những vấn đề sẽ bị loại bỏ trong các kỳ thi tương lai.

Ông Lee giải thích “câu hỏi sát thủ” đôi khi không nằm trong chương trình giảng dạy ở trường công, dẫn đến sự không công bằng cho học sinh không đi học thêm. “Học thêm là lựa chọn cá nhân, nhưng nhiều người cảm thấy bắt buộc phải học thêm mới vượt qua được sự cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi đại học. Chúng tôi muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn của học thêm, thứ làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và xói mòn tính công bằng của giáo dục và sẽ cung cấp nhiều chương trình phụ đạo và học thêm ngoại khóa ở trường công”, ông Lee nói.

Để thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ thành lập một đường dây nóng tiếp nhận trình báo vi phạm của các trung tâm dạy thêm. Bộ trưởng Lee tuyên bố chính quyền sẽ cung cấp nhiều chương trình phụ đạo và học thêm ngoại khóa ở trường công. 

THÁI AN

Ý kiến bạn đọc